CHÔM CHỈA


http://vietimes.com.vn/default.aspx?tabid=427&ID=6351&CateID=257

Lời cuối là vĩnh cửu?
(07:00, 24/03/2009)

Từ nãy đến giờ chúng ta vẫn chỉ đang mon men đi tới ga cuối cùng của tình yêu. Chúng ta đều biết ga khởi hành, cũng như ga cuối cùng mới là ga chính của cuộc hành trình, còn lại tất cả khúc giữa chỉ là ga phụ. Đoạn đường từ ga Hà Nội vào ga thành phố Hồ Chí Minh là một thí dụ. Để nói lên nguyên lý xuyên suốt cốt tử này, triết gia Sartre có nói: "Tình yêu chỉ đẹp lúc khởi đầu và khi kết thúc, còn mọi cái chỉ là thứ thêm vào".

Khởi đầu tình yêu thì đẹp lắm, nào rạo rực, nào hồi hộp, rồi đón đợi chín hẹn mười hò, nhưng giống như các cuộc tình diễn hoa hậu hoặc các cuộc thi khác ở đời, lễ khai mạc dù có bắn pháo hoa, nhạc phách tưng bừng cũng không có cách gì so với lễ chung kết cả. Chỉ có lễ chung kết mới có những vòng nguyệt quế, có kẻ thắng người thua, và nước mắt khổ đau lã chã…

Có thể ví, khởi đầu tình yêu là một vở hài kịch, vì ở đó có tiếng cười, có hạnh phúc; nhưng kết thúc tình yêu đó là vở bi kịch tái tê đau khổ. Nếu đem so sánh thì vở hài kịch chẳng nhằm nhò gì với vở bi kịch cả. Như văn hào Sếch – xpia chẳng hạn, ông viết giỏi cả hài kịch lẫn bi kịch, nhưng danh tiếng bi kịch của ông dường như nuốt chửng cả tài năng hài kịch. Vì một lẽ rất giản đơn, mỗi vở bi kịch thường dài gấp mấy lần hài kịch, và tự thân nỗi buồn bao giờ cũng đánh động và làm người ta ghi nhớ hơn.

Lời cuối là gì? Câu hỏi nghe có vẻ thừa, thực sự lại rất cần thiết. Chúng ta không bao giờ có thể nói lời cuối vào lúc mới làm quen, vì lúc đó lời mở đầu, đến lời chấp nhận còn chưa có, nói gì đến nói lời cuối cùng. Lời cuối tức là: Ta với mình, mình với ta đã cùng nhau đi suốt một chặng đường, đến ngã ba này đây, người còn đi tiếp với ta hay là chúng ta mỗi người một ngả:

Anh đi đường anh tôi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi?

Đi với nhau suốt chặng đường, đến lúc nào đó vẫn phải chia tay, ta gọi là "trung hạn", thì người Pháp thường chào "à dien", nghĩa đen của nó là: "Gửi em cho Chúa". Tức, lúc này đây, em đi một mình, anh chúc phúc cho em, cần cho Chúa coi sóc em trên dặm đường dài. Nhưng cũng có thể, và có rất nhiều lần thế rồi, người ta thét vào mặt nhau "cút đi!" "Anh hãy ra khỏi đời tôi!" "Một giây thêm với anh cuộc đời tôi đã hoá địa ngục!". … Nghĩa là người ta không giành cho nhau được một câu tử tế, chỉ còn giây lát bên nhau, người ta vẫn tận dụng nó để nguyền rủa bạn tình. Tình yêu lúc đó thật nặng nề. Nó không chỉ nặng lúc đó mà có khi còn đeo đuổi người ta khốn khổ, cảm giác bị xỉ nhục, xúc phạm suốt đời. ở đời có lẽ chẳng có xúc phạm nào lớn như xúc phạm của bạn tình giành cho ta.

Tình yêu khi chia tay mặn nồng, nếu người ta còn quyến luyến sau chặng đường tình, còn bịn rịn nói "Gửi anh cho chúa trông nom", thì cuộc đời đẹp biết bao. Trái lại khi phải nguyền rủa nhau, thì coi như phải gánh một vở bi kịch đau khổ rồi. Thế vẫn chưa hết đâu, đau khổ hơn cả là người ta không nói một lời, nhẹ bước chuồn đi. ở đời có những ai nhẹ bước chuồn đi? Đó là quân ăn trộm, nó vào không ai biết, chuồn không ai hay thì mới mong an toàn. Tình yêu, tình sâu nghĩa nặng đến vậy, mà lúc chia tay lại có kẻ định tìm sự an toàn cho mình, mặc kệ bạn tình vẫn kề vai sát cánh với mình, thì đau xót thay?!

Đau xót thế nào? Phải chăng người bị bỏ rơi sẽ đau xót? Chúng ta thử hình dung, một đứa con hư quay trở về nhà, nẫng của cải của mẹ cha đi cờ bạc, rượu chè, hút chích, rồi tếch thẳng, thì cha mẹ buồn vì cái gì? Buồn vì số của mà nó đã lấy ư? Không phải! Vì số của đó, nếu đứa con ở nhà thì cũng thuộc về nó. Nhưng bố mẹ buồn là vì đứa con đã hư, nó không chỉ làm khổ bố mẹ, mà nó đang làm hỏng chính cuộc đời nó.

Cũng vậy, một người bị tình nhân phụ bạc, đau khổ vì bị bỏ rơi thì ít mà chính là thất vọng về bạn tình thì nhiều. Một cô này bị người yêu lừa một khoản tiền rồi cuốn chạy. Cô có đau khổ vì mất món tiền đó không? Có, nhưng mà bé lắm. Cái chính là cô đau khổ khi yêu phải một thằng lừa đảo, nhân cách kém đến vậy?

Lời cuối quan trọng lắm, vì thế người phương Tây mới bảo: "Tình yêu vào bằng cửa sổ, đi ra bằng cửa chính". Lúc yêu có thể si mê tìm đến nhau, nào trèo cửa sổ, hay cậy vách nhà, thậm chí tìm trăm phương ngàn kế lủi vào như "kẻ trộm"; nhưng khi chia tay, thì chỉ có mỗi một cách đàng hoàng, đó là phải đối diện để nói lời chia tay với nhau.

Hoàng đế Napoleon có nói: "Trong tình yêu không có kẻ thắng và người bại, cái chiến thắng duy nhất trong tình yêu là chạy trốn". Trong tình yêu không có kẻ thắng – người bại, vì tình trường đâu có phải chiến trường, để người ta đem các loại vũ khí ra huỷ hoại đối phương. Đến với tình yêu là người ta đến với sẻ chia, thông cảm, nương tựa, và hạnh phúc, chứ đâu có tìm đến chiến trường để chui vào ống ngắm, ăn đạn rồi thấy kẻ thua, người thắng?! Khi yêu nhau, dù ta xa cách, hay hành hạ người yêu thì chính ta bị đau khổ hành hạ. Người ta vẫn ví đôi lứa như một đôi đũa, nếu ta tìm cách bẻ gãy chiếc đũa kia, thì đôi đũa đó làm sao còn gắp được thức ăn, và chủ nhân sẽ bị đói.

Trong tình yêu khi người ta tìm cách chiến thắng, tức là người ta biến tình yêu thành mâu thuẫn địch – ta rồi, hoặc là biến tình yêu thành thương trường ta thì có lãi, mà người yêu thì lỗ vốn. Như Napoleon đã nói: Kẻ tìm cách chạy trốn, chính là kẻ tìm cách chiến thắng trong tình yêu. Chiến thắng bằng cách nào? Bằng cách ăn trộm, cuỗm tình yêu đi mà không để lại bất kỳ tấm séc nào của bổn phận làm người.

Tại sao người ta lại phải đánh bài lờ lời nói đàng hoàng cuối cùng của tình yêu? Người Trung Quốc có câu "danh chính ngôn thuận", tức là làm cái gì chính đáng thì ngôn ngữ mới trôi chảy được, nhưng đằng này vì người ta không chính đáng, muốn ăn quịt, ăn trộm nên mới nhẹ gót chuồn. ở đời đáng buồn thay cho kẻ không làm đúng bổn phận của mình!

Tình yêu đẹp nhất là bởi ở đó người ta được chứng kiến lòng vị tha nhiều nhất, tức là, người ta sẵn sàng quên bản thân mình đi làm tất cả những gì cho người yêu. Trái lại, khi tình yêu đã vì dục vọng vụ lợi của mình, "ấp úng như ngậm hột thị", chuồn để bảo toàn thân mình, còn mặc cho kẻ kia rơi xuống vực không dù bảo hiểm…

Lời cuối cùng cũng là lúc cắt dù, cắt bom đau đớn nhất của tình yêu, nếu ta nói lời chia tay, thì bạn đời còn kịp mở dù để không phải rơi xuống tan xương nát thịt (đây không phải lời bóng bẩy, có rất nhiều người bị đo ván cú bất ngờ đã quyên sinh vì thất tình).

Vậy thì, dù sao đi nữa, để tránh cho bạn tình khỏi bị rơi vào tình huống bi thảm, ta nên có lời cho có trước lẫn sau. Lời cuối cùng ư? Người Việt có câu "Tình cũ không rũ cũng về", đó là những mối tình mà sau khi đã chia ly người ta vẫn còn luyến tiếc. Còn thứ tình bốn bạc ê chề đã khiến người ta trở nên kẻ "vô lại" – tức là không cần gặp lại trong mắt nhau. Mọi ký ức hay hình ảnh đều đáng vứt bỏ, và cả cơ hội gặp gỡ lại nhau cũng không cần nữa. Trời ơi, lời cuối cùng lúc đó là thứ vứt vào sọt rác chứ đâu có trở thành vĩnh cửu để bước vào trang sử của cuộc đời. Hy vọng những mối tình của chúng ta đều là những trang sử vàng do nhà viết sử trái tim đã viết lên bằng những nghĩa nặng tình thâm.

Nguyễn Hoàng Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *