Cái Bình Bong

Sáng nay trên đường đi làm, tự dưng nghĩ đến cái Bình, chả vì lý do gì…

Cái Bình, mà mọi người (và cả tôi nữa) vẫn thường gọi là Bình Bong, có một cái tên khai sinh rất đẹp, là Hoàng thị Hòa Bình – hẳn vì nó là niềm mơ ước của cả bố và mẹ nó sau khi họ cưới nhau (bố nó tên là Chiến, còn mẹ là Chanh!)

Cái Bình người đen nhẻm, bù lại có hàm răng trắng với hai chiếc răng hơi khểnh hai bên, vì tôi yêu quý nó nên thấy đó là khểnh, nhưng nhiều đứa ác miệng lại coi đó là răng của ma cà rồng, đặc biệt là những đứa răng vàng vì tetacicline (mà thời đó những đứa như thế thì nhiều vô thiên lủng – trong đó có cả tôi!)

Tuổi thơ của tôi nhuốm mùi của cái Bình!

Chả là đi ngủ thì thôi, hễ mở mắt dậy là tôi đã nhìn thấy nó, và chỉ chấm dứt khi cái mặt lem luốc của chúng tôi sau một ngày la lủi khắp mọi xó xỉnh bị chìm đi trong cái ráng chiều nhá nhem!

Buổi sáng của chúng tôi bắt đầu bằng việc học!
Đó là tôi nhớ như vậy theo nguyên tắc, vì mẹ tôi (và mẹ nó) luôn phải gào lên rằng: Học cho xong bài đi, rồi muốn đi đâu thì đi!
Tôi và nó luôn luôn làm đúng theo yêu cầu, kết thúc rất nhanh mệnh đề đầu là "học bài đi" một cách thô bạo, và thực hiện mệnh đề sau một cách vô cùng trách nhiệm: "muốn đi đâu thì đi!"

Việc đầu tiên trong cái chuỗi "trách nhiệm" "muốn đi đâu thì đi" ấy là việc đi kiếm củi!
(Lạy trời cho các Bác hàng xóm không đọc được đoạn này)
Chúng tôi kiếm củi thì ít, mà phá hàng rào và chuồng lợn thì nhiều!

Tôi nhớ mãi một ngày, đó là ngày thi học kỳ thì phải, bởi vì có thế thì chúng tôi mới biết chắc chắn là toàn bộ các cô, các bác đều phải đi làm rất nghiêm túc (tức là trong giờ làm việc không được tranh thủ về nhà cho lợn ăn như mọi khi!!!)

Thời điểm thích hợp cho chúng tôi làm một mẻ để dành cho mùa đông ấy…
…Đoạn này xấu hổ lắm chả kể đâu…
…Chỉ biết rằng, khi hoàng hồn và thoát khỏi lũ chó (đã bị tuột xích) thì hai phần ba cái chuồng lợn đã nằm ở bếp nhà tôi, và bên cạnh cái Bình là Tôi, nước da xanh rớt không còn hột máu được tô điểm thêm một ít phân lợn và tro bếp!

Rồi cũng đến cái giai đoạn xem chừng hấp dẫn nhất, đó là chia chiến lợi phẩm.
Việc này phải nhờ đến chị tôi – Chị Quế, người mà bẩm sinh đã khéo ăn khéo ở (mà mãi sau này mấy chị em tôi mới tìm được cái tên thích hợp để gọi (sau lưng) – nhưng chưa dám nói ra ở đây vì cần phải xin phép trước đã!)
Rất ân cần, chị chia từng mảng gỗ một, đều đặn cho từng đứa, rất công bằng!
Và cuối cùng thì thừa ra một mẩu, tôi chắc mẩm là sẽ được nhận phần này vì mặt tôi dính phân lợn nhiều hơn mặt cái Bình, ấy thế mà, chị tôi tàn nhẫn lại đem cho nó cái mảnh gỗ thừa ra đó!
Tôi uất đến nổ cổ, chả uất được chị tôi thì quay sang uất cái Bình, chắc hẳn là nó đã tỉ tón gì với chị ấy để bà ta thiên vị thế, tôi thề cạch mặt nó, tôi uất quá ngoảy đít đi vào, bỏ lại sau lưng là ánh mắt nhìn tôi len lén và tiếng cười sung sướng ngập tràn hạnh phúc của cái Bình khuất dần ra phía cổng…

Tôi khựng lại !!! gì đây??? mấy thanh gỗ khác, cùng loại với cái chuồng lợn vừa bị dỡ nằm ngay ngắn trong xó hiên sau nhà, im lìm…

Chị tôi quả là không hổ thẹn là người có thể làm hài lòng tất cả mọi người…một cách Tuyệt đối!!!

Cho đến giờ, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng cười sung sướng của cái Bình, xen kẽ với tiếng chửi đổng chúa chát của ai đó và tiếng lợn rống lên vì lạnh trong đêm…

***

Nhiều năm trôi qua, chúng tôi túa đi mỗi người mỗi ngả, đứa ngoài Bắc, đứa trong Nam…
Tôi gặp lại nó trong một ngày hè oi ả, lúc này, nó đã thành một cô thiếu nữ thướt tha mắt xanh môi đỏ, răng khểnh má lúm đồng tiền, chả còn đâu là cái Bình Bong bẩn thỉu la lủi cùng tôi mỗi trưa hè xưa cũ, chả còn đâu cái Bình Bong bị bố mẹ lột quần áo đánh đòn chạy vòng quanh xóm ngày nào, có chăng chỉ còn giữ lại là làn da vẫn đen nhuôm màu nắng.

Nó nhìn tôi từ đầu đến chân, đầu lắc như bị điện giật, miệng chẹp chẹp:
– Mày đi ra tỉnh thành mà chả học được cách ăn mặc cho nó nên người, áo quần lôi thôi chả có màu sắc, con gái lớn rồi là phải biết làm đẹp! Mày thấy không, như tao đây này, tao có nước da hơi đen, mặc áo màu vàng vào như thế này sẽ "tôn da", đấy, mày nhìn đi…
Tôi ú ớ mấy câu chả biết nói gì, vì nó nói đúng quá!

Thế mà đã lại mười lăm năm trôi qua…
Tết này, chắc chắn tôi sẽ về quê tìm gặp nó! biết đâu nó lại có những lời khuyên bổ ích cho chuyện chồng chuyện con chuyện đời…của tôi!

Tôi sẽ về!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *